Không phải Hà Nội, TP HCM, Bình Dương đây mới là tỉnh có mức tăng dân số và thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước

Thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng của tỉnh này cao gấp 4 lần hai tỉnh thấp nhất cả nước là Hà Giang và Điện Biên.

Bình Dương thuộc Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bình Dương là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cao và quá trình đô thị hóa nhanh; thu hút rất đông lao động ngoài tỉnh và nước ngoài đến sinh sống và làm việc. Diện tích của tỉnh này gần 2.700km2, dân số từ 1,8 triệu người hồi năm 2015 lên 2,76 triệu người tính đến năm 2022. Mỗi năm, tỉnh tăng khoảng 100.000 dân, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển.

Theo Niên giám thống kê năm 2022, tỉnh này có tỷ lệ tăng dân số là 6,41%, nhiều nhất cả nước, cao hơn hai lần mức 2,74% của Đồng Nai - tỉnh đứng ở vị trí thứ hai. Một số địa phương có tỷ lệ tăng dân số trên 2% là TP HCM, Đà Nẵng, Nam Định. Trong khi đó, nhiều tỉnh tăng trưởng âm, chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long như An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng,... Bình Dương cũng là tỉnh có tỷ suất nhập cư đứng thứ 2 cả nước, đạt 26,4%, chỉ sau Bắc Ninh, khoảng 39,4%.

Tuy là tỉnh công nghiệp với mức tăng dân số cao nhất cả nước, mật độ dân số tại Bình Dương đạt 1.025 người/km2, đứng thứ 7 cả nước sau TP HCM, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương và Nam Đinh.

Cũng theo Niên giám thống kê 2022, thu nhập bình quân đầu người một tháng của cả nước là 4,67 triệu đồng. Người dân Bình Dương kiếm bình quân 8,07 triệu đồng mỗi tháng, cao nhất cả nước, gần gấp đôi bình quân cả nước. Kế tiếp đó là người dân Hà Nội và TP HCM, lần lượt 6,42 và 6,39 triệu đồng. Đồng Nai 6,34 triệu đồng; Hải Phòng 5,89 triệu đồng; Đà Nẵng 5,8 triệu đồng;...

Con số trên của Bình Dương cũng gấp 4 lần hai hai tỉnh có thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng thấp nhất cả nước là Hà Giang và Điện Biên, lần lượt là 2,06 và 2,08 triệu đồng. Bình Dương cũng là địa phương duy nhất có thu nhập bình quân trên 8 triệu đồng. Trong đó, nhóm có thu nhập cao của Bình Dương kiếm bình quân 18,3 triệu đồng mỗi tháng, nhóm thấp là 2,67 triệu, chênh lệch gần 7 lần.

Khu vực Đông Nam Bộ, nơi ngoài Bình Dương còn có các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP HCM ghi nhận thu nhập bình quân đầu người là 6,33 triệu đồng một tháng, cao nhất cả nước. Nguồn thu chính của người dân khu vực Đông Nam Bộ đến từ tiền lương, tiền công, chiếm 62%, sau đó là thu phi nông nghiệp 25%.

Trong một diễn biến liên quan, thông qua chính sách tại Kỳ họp HĐND cuối tháng 10/2023, tỉnh Bình Dương dự kiến từ năm 2024 sẽ di dời khoảng 2.900 doanh nghiệp và nhà máy ra khỏi khu dân cư, giai đoạn 2024 – 2030.

Cụ thể, thành phố Dĩ An lên kế hoạch di dời từ tháng 1/2024 đến tháng 6/2030; thành phố Thủ Dầu Một triển khai di dời từ tháng 1/2024 đến tháng 6/2030; thành phố Thuận An di dời đến hết tháng 12/2028; thị xã Tân Uyên di dời từ tháng 1/2024 đến 12/2029 và thị xã Bến Cát di dời từ tháng 1/2024 đến 12/2030.

Trên tinh thần đó, tỉnh Bình Dương đang xem xét các chính sách hỗ trợ theo hướng ổn định việc làm cho người lao động sản xuất của doanh nghiệp, giá đất cho thuê nhằm khuyến khích doanh nghiệp di dời, nhà ở cho công nhân khi thực hiện di dời, đào tạo nghề cho người lao động; các chính sách miễn, giảm phí, lệ phí các thủ tục hành chính khi thực hiện di dời và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kế thừa quỹ đất đang có ở vị trí hiện tại để thực hiện theo quy hoạch.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Ban Chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu quy hoạch nơi di dời doanh nghiệp, nhà máy đến có vị trí thuận lợi về nguyên liệu, giao thông vận tải, nguồn nhân công và các chính sách hỗ trợ đất đai, thuê đất, chuyển đổi công năng sản xuất phù hợp, đảm bảo lợi ích cho các doanh nghiệp.